Ngày 08/11/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 05/CĐ-UBND gửi Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Tổng Biên tập Báo Bình Định về việc ứng phó với bão số 7.
Hướng di chuyển của bão số 7. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Để chủ động ứng phó với bão số 7 và triển khai thực hiện nội dung Công điện số 114/CĐ-TTg ngày 07/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó bão YINXING; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Sở, ban, ngành của tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Tổng Biên tập Báo Bình Định khẩn trương thực hiện ngay một số nội dung sau:
1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7 (YINXING), để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, trong đó:
a. Thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
b. Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão; quản chặt chẽ các phương tiện ra khơi; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản tại khu nuôi trồng thủy, hải sản. Kiên quyết sơ tán người dân trên các lồng, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
c. Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu.
d. Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.
e. Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng.
2. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, Đài Truyền thanh các địa phương thường xuyên đưa tin về diễn biến của bão.
3. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT theo quy định./.
Theo binhdinh.gov.vn (Tác giả Minh Anh)