guy
Điều kiện tự nhiên
22:31, 03/10/2022

  Phù Cát là một huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Bình Định, nằm trên tọa độ 13054’ –  14032’ vĩ Bắc và 108055’ – 109005’ kinh Đông. Phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Phù Mỹ và Hoài Ân. Phía Nam giáp thị xã An Nhơn, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Vĩnh Thạnh và Tây Sơn. Phía Đông giáp biển Đông với chiều dài 35 km và chếch về phía Đông Nam giáp huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. 
 
    Theo thống kê, huyện Phù Cát có diện tích là 680,49 Km2dân số trung bình 190.000 người, trong đó nữ chiếm 97.000 người; mật độ dân số 279 người/Km2.
 
     Hiện nay, trên địa bàn huyện có các dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó chủ yếu là người Kinh và một số ít là người Bana gồm 26 hộ, 91 nhân khẩu nằm rải rác tại các xã Cát Sơn, Cát Lâm. 
   

         Về tôn giáo, có các đạo Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài,... với nhiều cơ sở thờ tự lâu đời và nổi tiếng trên địa bàn huyện.
 
      Phù Cát có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã là Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Hanh, Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng, Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Tường, Cát Trinh, Cát Tân và 01 thị trấn là Thị trấn Ngô Mây. Dưới xã - thị trấn được phân chia thành 117 thôn và khu phố.
 
      Địa hình Phù Cát đa dạng, gồm có đồng bằng chuyên trồng lúa nước, tập trung ở các xã ven sông Côn và sông La Tinh; vùng núi thấp – gò đồi trồng các loại cây trồng cạn, cây lâm nghiệp; ngoài ra còn có các vùng đầm ven biển thuộc Cát Minh, Cát Khánh, Cát Thành.
 
     Về núi noncó các dãy núi Trường Sơn đâm xuống nửa phần phía Tây huyện và dãy núi Bà vươn ra sát biển.
 
     Về sông ngòi, đáng kể nhất là sông Đại An (thuộc hệ sông Côn) nối từ Cát Tường-Cát Nhơn đến Cát Chánh rồi đổ ra Đầm Thị Nại. Sông La Tinh bắt nguồn từ Hội Sơn, đổ ra đầm Đề Gi, là ranh giới tự nhiên giữa huyện Phù Cát với huyện Phù Mỹ.
 
    

     Về đầm nước lợ có đầm Đạm Thủy với diện tích 1600 ha, tại đây có hệ sinh thái đầm phá ven biển tiêu biểu. Đầm Đạm Thủy nối thông biển qua cửa Đề Gi, tạo nên cảng biển có giá trị.
 
     Danh thắng của Phù Cát rất đa dạng, trong đó phải kể đến các suối nước khoáng Hội Vân (xã Cát Hiệp), suối khoáng Chánh Thắng (xã Cát Thành). Dãy núi Bà là danh lam thắng cảnh nằm ở  phía Đông Nam của huyện với nhiều hang động ẩn trong lòng núi, có Hòn Vọng phu, Hòn Chuông. Rải dọc theo dãy núi Bà có nhiều ngôi chùa cổ như chùa Tịnh Lâm, chùa Linh Phong, Tân phủ Càn Dương,…
 
      Các bãi biển chạy dài từ xã Cát Chánh đến Cát Khánh, với các bãi  Trung Lương, Vĩnh Hội, Tân Thắng, Chánh Oai, Đề Gi,…
 
      Ngoài ra, Phù Cát cũng là nơi hình thành và phát triển nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: làng dệt chiếu thôn Phú   Hậu xã Cát Tiến và thôn Chánh Hậu – xã Cát Chánh, làng bánh   tráng và nón ngựa thôn Phú Gia – xã Cát Tường, làng bún bánh thôn An Phong – TT Ngô Mây, làng nhang thôn Xuân Quang – xã Cát Tường, làng đan lát thôn Phú Hiệp – xã Cát Tài và thôn Trung   Chánh – xã Cát Minh. Sản phẩm của làng nghề được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu có sẵn trong khu vực nhưng lại có những  nét  đặc trưng riêng mang đậm bản sắc vùng miền nơi đây, với các sản phẩm nổi tiếng một thời như: nón ngựa Phú Gia, bánh tráng nước dừa, võng, chiếu, bún hủ tiếu, …
   

     Do đặc điểm của địa hình mà nơi đây cũng tập trung nhiều nguồn khoáng sản lớn và phong phú, trong đó phải kể đến: mỏ titan (Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải), các nguồn cát trắng, cao lanh; nước khoáng, đá ong, đá granite, ….
 
     Hệ thống giao thông Phù Cát đa dạng, rải khắp toàn huyện, bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.
 
   
     Về đường bộ, có Quốc lộ 1 đi ngang qua trung tâm huyện; các tuyến đường Tây tỉnh, tuyến ven biển ĐT 639, các tuyến ĐT 633, 634 và 635 nối thông các xã từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, kết nối hệ thống đường liên xã, liên thôn. Tuyến đường sắt với 2 ga chính là ga Phù Cát và Khánh Phước.
 

    
       Đường hàng hải, với cảng biển neo đậu tàu thuyền Đề Gi, đây chính là nơi giao thương trong và ngoài nước của huyện.
 
     Đường hàng không có sân bay Phù Cát, cách huyện lỵ 6 km, là một trong những sân bay lớn của cả nước với Cảng Hàng không dân dụng phục vụ các lượt khách đến và đi.
 

     Về kinh tế: trước đây, phần lớn cư dân chuyên trồng lúa nước, một ít khai thác hải sản gần bờ. Trong vài chục năm nay, kinh tế Phù Cát vẫn tập trung phát triển nông nghiệp là chính: trồng trọt, chăn nuôi; khai thác thủy - hải sản, trồng rừng. Đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đến năm 2013, về cơ cấu kinh tế, ngành nông nghiệp huyện chiếm 34,2%, ngành công nghiệp – dịch vụ chiếm 64,8%. Tổng giá trị sản xuất (giá trị cố định 1994), đạt 2.404 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm.
 
 
      Cây trồng chính gồm:
 
      + Lúa: với diện tích gieo trồng cả năm 15.400 ha, năng suất 56,9 tạ/ha, sản lượng 87.800 tấn.
 
      + Đậu phộng: 3.800 ha.
 
      + Sắn: 2.600 ha.
 
     Về chăn nuôi: đàn bò có 46.500 con, đàn heo 87.600 con. Diện tích rừng khoanh nuôi, bảo vệ là 9.400 ha, độ che phủ rừng chiếm 34,5% diện tích toàn huyện.
 
     Về khai thác nuôi trồng thủy – hải sản: Tàu thuyền có 1063 chiếc với tổng công suất 95.900 CV, sản lượng khai thác 30.000 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản 617 ha, sản lượng 700 tấn. Diện tích sản xuất muối 83 ha, sản lượng bình quân hàng năm 10.000 tấn.
 

       Về phương tiện vận tải: hiện có 420 chiếc.
     Về văn hóa – xã hội: ngành giáo dục có 22 trường mẫu giáo; Tiểu học 31 trường; Trung học cơ sở 18 trường; Trung học phổ thông 6 trường. Tổng số học sinh các cấp học là 46.000 em.
     Về y tế: có 01 bệnh viện đa khoa, 01 phòng khám khu vực, 01 bệnh viện điều dưỡng và 18 trạm y tế xã – thị trấn; tổng số giường bệnh 190 giường.
 
     
      Phù Cát hội tụ nhiều điều kiện để phát triển. Trước hết là phát triển nền sản xuất nông nghiệp đa dạng từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy – hải sản, trồng rừng; phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp với mặt bằng rộng rãi, nguyên vật liệu phong phú; phát triển về thương mại, du lịch, các loại dịch vụ với nhiều thắng cảnh đẹp, hệ thống giao thông thuận tiện; phát triển mạnh về nguồn nhân lực vì nơi đây sản sinh ra nhiều người học hành giỏi giang, thành đạt, nổi tiếng. Thiên thời – địa lợi – nhân hòa, là những yếu tố mà Phù Cát có đủ. Vấn đề còn lại là làm như thế nào để các yếu tố đó tạo nên sự phát triển và thịnh vượng. Muốn vậy, mọi người dân Phù Cát, dù đang sinh sống hay sống xa quê hương cần chung lòng, chung sức kiến tạo cho mảnh đất thân yêu của mình ngày càng giàu đẹp.
                                                                                                                                                                                          Ban biên tập (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục